Dạy và học theo tiếp cận trực tuyến: Từ ứng phó khủng hoảng đến các vấn đề chiến lược
Chính sách khuyến khích và nỗ lực chuyển mình của hệ thống giáo dục
Đây được xem là hệ quả khách quan theo thông điệp mà Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo là “tạm dừng đến trường, không dừng học”.
Theo đó, học sinh phổ thông học qua các kênh truyền hình và các ứng dụng Internet, còn sinh viên thì đại đa số sử dụng các ứng dụng trực tuyến khác nhau từ nỗ lực tự thân của các cơ sở giáo dục và sự đồng hành với trách nhiệm xã hội cao của các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến trong và ngoài nước.
Câu chuyện dạy và học theo tiếp cận trực tuyến đối với tất cả các hệ/bậc trong hệ thống giáo dục Việt Nam mới đầu có nhiều bỡ ngỡ từ người dạy, người học, các cơ sở giáo dục và các bên liên quan. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này về cơ bản tiếp cận dạy và học trực tuyến đã bước đầu giải quyết thành công những khó khăn trong tình huống không tập trung được.
Thành công này đến từ nỗ lực của nhiều bên liên quan; trong đó, có người dạy, người học và cả phụ huynh. Nhà trường đứng bên cạnh với nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng nền tảng công nghệ, hệ thống CNTT sao cho tối ưu việc dạy của giáo viên.
Những điều cần hoàn thiện cho một tiếp cận mới
Thực chất, dạy và học trực tuyến đã được nhiều trường trên thế giới áp dụng cho các học phần trong chương trình đào tạo. Đặc biệt, luật giáo dục đại học sửa đổi và bổ sung (có hiệu lực từ tháng 7/2019) và Nghị định 99 có điều khoản cụ thể khuyến khích giảng dạy trực tuyến trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, với tinh thần áp dụng các công nghệ giáo dục xuyên biên giới, nhằm nâng cao năng lực tiếp cận của người học ở tất cả các vùng miền trong quá trình tiếp thu tri thức.
Khủng hoảng Covid-19 một lần nữa cho thấy bước tiến xa về luật và các văn bản chính sách khi đã hướng đến công nghệ giáo dục trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tuy vậy, những triển khai dạy và học trực tuyến trong giai đoạn giãn cách xã hội vẫn còn tồn tại các vấn đề như tâm lý người học và người dạy chưa sẵn sàng ở mức cao nhất, nền tảng công nghệ có độ phủ chưa cao và chưa đủ mạnh và đồng bộ khi triển khai diện rộng cho cả hệ thống giáo dục. Đặc biệt các đối tượng yếu thế có thể bị tụt lại phía sau khi khả năng tiếp cận trực tuyết bị hạn chế vì nhiều lý do.
Sự sẵn sàng về tâm lý cho dạy và học trực tuyến: phần lớn đến từ phía người học còn người dạy đa phần đã ứng phó rất nhanh, vì việc học trực tuyến trong bối cảnh Covid-19 mang tính chất giải quyết tình huống và hoàn toàn chưa có những chuẩn bị sẵn sàng và căn bản về năng lực và kỹ năng cho người học làm quen với môi trường số. Yếu tố tâm lý này cần từng bước được cải thiện thông qua các chiến lược đầu tư cho hệ thống giáo dục, để người học tiếp cận hình thức dạy và học ứng dụng công nghệ một cách tự nguyện và có đủ kỹ năng và năng lực tiếp thu như là một thói quen.
Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Úc, Hoa Kỳ, và các nhà hoạch định chính sách châu Á như Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, và Trung Quốc đã có những chuẩn bị cho quá trình dạy và học trực tuyến từ cuối thập niên 90. Bên cạnh hạ tầng CNTT được đầu tư mạnh mẽ, các quốc gia này còn có nhiều chính sách mang tính chiến lược nhằm đào tạo cho người dạy và người học các kỹ năng cơ bản liên quan đến dạy và học trực tuyến như: kỹ năng tập trung trong môi trường số; kỹ năng thu nhập – xử lý – lưu trữ thông tin; kỹ năng làm việc nhóm trực tuyến; và kỹ năng giao tiếp/ tương tác trong không gian số.
Nền tảng công nghệ: là một yếu tố quyết định cho việc triển khai dạy và học trực tuyến. Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam đã có 14 kênh truyền hình phát sóng các bài giảng giáo dục phổ thông, và hơn 50% các trường đại học đang áp dụng các phương thức đào tạo trực tuyến ở các cấp độ khác nhau và cách vận dụng cũng khác nhau. Đồng thời, các Bộ ngành cũng đã tập hợp được sự chia sẻ mang tính hệ thống của các doanh nghiệp và đơn vị trong ngành thông tin và truyền thông hỗ trợ kỹ thuật, máy chủ, băng thông, đường truyền và các ứng dụng dạy và học trực tuyến.
Những nỗ lực trên là rất kịp thời và bước đầu cho thấy có tác dụng xử lý tình huống; tuy vậy, về trung và dài hạn cần có những đầu tư căn cơ hơn. Theo kinh nghiệm Trung Quốc, khi các trường học bị đóng cửa từ đầu năm 2020, Chính phủ nước này đã thiết kế một nền tảng học tập trực tuyến cấp quốc gia gồm hai dự án: 1) hình thành kênh truyền hình quốc gia độc lập (kênh CCTV4) và áp dụng riêng cho giáo dục các bậc/hệ; 2) thiết kế một nền tảng học tập trên nền tảng đám mây quốc gia độc lập để cung cấp tài liệu học tập cho hệ thống giáo dục trên một băng thông rộng, tránh sự cố tắc nghẽn.
Hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế: khi triển khai dạy và học trực tuyến là cần thiết để đảm bảo triết lý mà Đảng ta đã chỉ đạo là không để ai tụt lại phía sau trong bối cảnh khủng hoảng, và thậm chí trong cả quá trình phát triển bền vững dài hạn. Học tập tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội, các nhà cung cấp những nền tảng trực tuyến trong và ngoài nước miễn phí cho người học trong một khuôn khổ nhất định, hoặc một số trường đại học có chính sách hỗ trợ một phần chi phí cho sinh viên khi họ sử dụng các dịch vụ Internet. Tuy nhiên, một tỷ lệ không nhỏ người học vẫn gặp các khó khăn như sinh sống tại các vùng sâu vùng xa nên khó tiếp cận Internet ổn định, các thiết bị học tập tối thiểu như máy tính không thể kết nối Internet hoặc thiếu các chức năng nghe và nhìn.
Kinh nghiệm của Nhật Bản, quốc gia này đã có những chính sách hạn chế bất bình đẳng trong quá trình tiếp cận của người học khi triển khai dạy và học trực tuyến. Thứ nhất, để cải thiện mạng truyền thông, ba nhà cung cấp điện thoại di động lớn nhất Nhật Bản đã giảm phí liên lạc điện thoại thông minh cho khách hàng là sinh viên từ 25 tuổi trở xuống trong một thời gian hạn chế. Thứ hai, Chính phủ Nhật Bản cũng xem xét thực hiện gói cho vay hỗ trợ trang bị bộ định tuyến Wi-Fi để kết nối với mạng truyền thông tốc độ cao, nhằm đảm bảo quá trình học trực tuyến của các nhóm yếu thế.
Những vấn đề trên cần được chúng ta giải quyết để hướng đến một nền tảng bền vững trên toàn hệ thống giáo dục Việt Nam. Cụ thể là nền tảng về Công nghệ; Sự sẵn sàng về tâm lý cho dạy và học trực tuyến; Chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế.
Các vấn đề chiến lược
Hệ thống giáo dục Châu Á đề cập trong bài viết này đã chuẩn bị chiến lược đầu tư dạy và học online bằng các chiến lược rõ ràng cách đây khoảng 20 năm và đã chuyển sang cấp chiến lược chiều sâu cho đến thời điểm hiện nay. Việt Nam cũng đã có nhiều bước đi tiên phong về mặt Luật và các chính sách ban hành, gần đây nhất là các Đề án Hệ tri thức Việt và Đề án chuyển đổi số quốc gia đã và đang có những chuyển động mạnh mẽ với kỳ vọng nâng cao việc tập trung nguồn lực tri thức và năng lực tiếp cận tri thức cho tất cả mọi người theo phương châm học tập suốt đời.
Tuy vậy các chiến lược hỗ trợ hệ thống giáo dục có yếu tố CNTT&TT mang tính đột phá và trọng tâm cần phải được định hướng ở cấp quốc gia thì mới kỳ vọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng kỹ năng thế kỷ 21 góp phần nâng cao tính sáng tạo và năng suất quốc gia. Do vậy cần phải có một chiến lược hay một cấu phần trong chiến lược tổng thể quốc gia từ các đề án đang vận hành và tập trung vào các nội dung cốt lõi sau đây.
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cho rằng để việc dạy học trọng tuyến trở thành thói quen và bền vững Việt Nam cần xây dựng được 5 vần đề chiến lược
Thứ nhất, cần có các dự án mang tính hệ thống đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT&TT trong các cơ sở giáo dục; cụ thể, đó là nền tảng kỹ thuật số cho dạy và học trực tuyến, các tài nguyên số phục vụ cho chương trình đào tạo, và cộng đồng học tập trực tuyến tại mỗi cơ sở giáo dục nói riêng và cho cả hệ thống giáo dục nói chung.
Thứ hai, cần có một hành lang pháp lý từ Bộ GDĐT về việc tích hợp CNTT&TT trong chương trình đào tạo tại cơ sở giáo dục; cụ thể, đó là xây dựng các kế hoạch phổ cập kiến thức CNTT&TT như một phần của chương trình đào tạo, cung cấp các chương trình/khóa đào tạo CNTT&TT, quy định tỷ trọng thời gian học có ứng dụng CNTT, khuyến khích người dạy ứng dụng CNTT vào chương trình đào tạo, và phát triển sách giáo khoa điện tử phục vụ giáo dục trực tuyến.
Thứ ba, cần có các đề án cụ thể khuyến khích các cơ sở giáo dục gắn kết các yếu tố của học trực tuyến vào quá trình đánh giá kết quả học tập của người học; cụ thể, đó là xây dựng các tiêu chuẩn CNTT cơ bản mà người học cần đạt được, và bồi dưỡng người học ứng dụng CNTT trong học tập.
Thứ tư, cần có các chính sách khuyến khích các đơn vị CNTT&TT phối hợp với các cơ sở giáo dục phát triển chuyên môn CNTT cho người dạy; cụ thể, đó là cung cấp các chương trình/khóa đào tạo CNTT cho giáo viên/giảng viên, áp dụng tiếp cận đồng giảng có sự tham gia các nhân sự kỹ thuật CNTT trong đào tạo giáo viên/giảng viên, và thiết lập các tiêu chuẩn CNTT cơ bản cho giáo viên/giảng viên.
Thứ năm, cần nâng cao vai trò lãnh đạo của cơ sở giáo dục và người dạy trong giáo dục trực tuyến; cụ thể, đó là tăng cường sự lãnh đạo của cơ sở giáo dục trong việc dạy-học-thi-quản trị trực tuyến, hỗ trợ các chương trình thí điểm giáo dục trực tuyến, phát triển các khóa đào tạo giúp người dạy làm chủ quá trình dạy và học trực tuyến, thúc đẩy các nghiên cứu về giáo dục trực tuyến, tài trợ các trung tâm nghiên cứu về giáo dục trực tuyến, và xây dựng các kế hoạch giáo dục trực tuyến tại trường.
GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng UEH