Kinh nghiệm soạn giáo án điện tử
Trong thời đại 4.0, giáo án điện tử được sử dụng rộng rãi nhờ những ưu điểm vượt trội như: Tiện lợi, giúp tiết kiệm thời gian cho giáo viên,…Việc sử dụng giáo án điện tử với trẻ nhỏ lại càng có vai trò quan trọng hơn. Bởi các Em ở độ tuổi này còn nhỏ và ưa thích tìm tòi, khám phá, nên các bài giảng cần trực quan, sinh động để giúp trẻ dễ hiểu nhất. Vậy soạn giáo án điện tử mầm non cần lưu ý những điểm gì?
1. Tìm tài liệu phù hợp
Tuy nguồn tài liệu hiện nay rất phong phú, nhưng giáo viên cần đặc biệt lưu ý để tìm được tài liệu thực sự phù hợp với bài giảng của mình. Theo đó, các hình ảnh, âm thanh, video hay thông tin phải được chọn lọc kĩ càng để phù hợp với các kiến thức, hoạt động trong bài học. Thầy cô cần chú ý không đưa quá nhiều tài liệu vào giáo án vì có thể gây loãng bài học. Bên cạnh đó, khi chọn lọc cũng cần lựa chọn những hình ảnh, video có độ phân giải cao để học sinh dễ quan sát nhất.
Nếu một số tài liệu cần thiết không có sẵn trên Internet, thầy cô có thể trao đổi với các đồng nghiệp hoặc sử dụng điện thoại, máy ảnh để chụp những hình ảnh thực tế đưa vào bài giảng.
Sau khi đã tìm được tài liệu phù hợp, giáo viên cần xử lí các tài liệu này trước khi chèn vào bài giảng. Bởi có một số video quá dài, hoặc một số âm thanh khi tải về không đúng định dạng muốn dùng,…Do đó, bước xử lí tài liệu rất quan trọng để đảm bảo chất lượng của giáo án.
2. Sử dụng các phần mềm thiết kế bài giảng
Hiện nay, có rất nhiều phần mềm soạn bài giảng điện tử giúp thầy cô tiết kiệm thời gian trong việc thiết kế một bài giảng hoàn chỉnh. Một số phần mềm còn có sẵn mẫu bài giảng. Theo đó, giáo viên chỉ cần vài thao tác gõ văn bản, kéo – thả chuột là có thể thiết kế được một bài giảng hoàn chỉnh, sinh động với các hình ảnh, video, âm thanh,..minh họa.
Không chỉ vậy, trên các phần mềm soạn bài giảng điện tử hiện nay, giáo viên còn có thể tạo ra các trò chơi, các câu hỏi để học sinh tương tác trực tiếp trên bài giảng. Điều này giúp các tiết học trở nên thú vị, giúp không khí lớp học trở nên sôi động, tăng hứng thú của trẻ đối với bài học.
Tuy nhiên, thầy cô cần lưu ý tạo các trò chơi với mục đích giúp trẻ luyện tập và không đưa vào bài quá nhiều trò chơi bởi điều này có thể khiến trẻ bị xao nhãng.
3. Kết hợp giáo án điện tử với các phương pháp dạy học khác
Khi soạn giáo án điện tử, giáo viên cần kết hợp linh hoạt giữa giáo án điện tử với các phương pháp dạy học khác như: Dạy với bảng, dạy với các đồ vật,…Bởi trên thực tế, một số bài học không thể áp dụng hoàn toàn việc dạy với giáo án điện tử. Ví dụ, với bài học tìm hiểu về đồ dùng của bé, song song với việc trình chiếu các hình ảnh về một số đồ dùng quen thuộc, thầy cô có thể cho bé xem các đồ vật thực tế trên lớp để bé dễ dàng nhận biết. Bên cạnh đó, việc kết hợp lời giảng với màn hình trình chiếu cũng rất quan trọng. Lời giảng của thầy cô cần phù hợp với nội dung trên màn hình và giải thích kỹ hơn về các nội dung đó để trẻ dễ nắm bắt kiến thức.
Có thể thấy rằng để soạn được giáo án điện tử hay, hấp dẫn, thầy cô cần lưu ý khá nhiều điểm. Điều quan trọng nhất là khi thiết kế giáo án điện tử, các kiến thức và kỹ năng cần truyền đạt cho trẻ vẫn được đảm bảo. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, các nền tảng toàn diện cho giáo dục ra đời đã giúp việc thiết kế giảng điện tử, học trực tuyến, quản lý học sinh,… được hỗ trợ rất nhiều. Điều này không chỉ giúp công tác dạy học đạt hiệu quả cao mà còn giúp các thầy cô tiết kiệm nhiều thời gian trong công việc.