Thi online thế nào cho hiệu quả?
Thi online thế nào cho hiệu quả?
GD&TĐ - Phòng dịch Covid-19, nhiều trường ĐH tổ chức thi kiểm tra học kỳ II cho SV bằng hình thức trực tuyến (online).
Từ việc dạy, học đến thi kiểm tra bằng hình thức trực tuyến là cả một sự bứt phá. Tuy nhiên, đây là hình thức thi mới, thậm chí với nhiều trường là việc chưa có tiền lệ, nên thực tế có những tình huống vui buồn lẫn lộn.
Một “trận đồ” rối não
Sau một thời gian triển khai việc thi học kỳ II bằng hình thức trực tuyến, PGS.TS Hoàng Thị Hồng Hà - Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) cho biết: Kỳ thi này là một “trận đồ” rối não với các hình thức thi phức tạp và khác thường.
Tại UEF, Ban giám hiệu và các khoa, phòng đào tạo, phòng khảo thí, trung tâm IT họp tới họp lui bao nhiêu cuộc, tranh luận quyết liệt về từng hình thức thi. Về cơ bản, hình thức thi trắc nghiệm vẫn ổn, câu hỏi lấy từ ngân hàng đề, theo ma trận phân bổ kiến thức môn học được xây dựng trước. Tuy nhiên, không thể hạn chế việc SV sử dụng tài liệu khi làm bài online. Vì vậy, chỉ có cách là tính độ khó/ dễ của câu hỏi và tính đếm thời gian chặt chẽ để vừa đủ làm bài.
“Hình thức thi tự luận vẫn được áp dụng. Theo lịch thi đã công bố, trước giờ thi 15 phút sinh viên đăng nhập vào hệ thống LMS (Learning Management System) của trường, đồng thời đăng nhập MS Team, bật camera. Khi cán bộ coi thi gọi tên, sinh viên phải trình thẻ sinh viên/CCCD trước camera, trình diện khuôn mặt trước camera.
Đúng giờ thi, đề thi sẽ được bật trên LMS, sinh viên có thể làm bài trên giấy hoặc bằng máy tính, dưới sự giám sát của camera. Hết giờ làm bài, sinh viên chụp ảnh bài thi (nếu làm trên giấy) hoặc lưu file PDF (nếu làm trên máy tính) và nộp bài qua hệ thống LMS. Có khoảng 5 phút cho việc nộp bài, sau đó hệ thống LMS sẽ đóng lại” - PGS.TS Hoàng Thị Hồng Hà chia sẻ.
Trong khi đó, cán bộ phụ trách khảo thí tại một trường ĐH cho biết, theo quy định của nhà trường, một buổi thi vấn đáp phải có 2 giảng viên (GV) làm giám khảo nhằm tạo sự công bằng cho SV. Tuy nhiên, một số GV vì lý do cá nhân đã bất chấp quy định, cố tình thông đồng với nhau để “chia ca” (VD: Buổi thi 90 phút, mỗi GV vào phòng thi 45 phút chứ không cùng vào trong suốt 90 phút; hoặc có trường hợp cả buổi thi chỉ để cho 1 người vấn đáp SV, người còn lại chỉ đăng nhập vào phòng thi cho có mặt chứ không thực hiện vai trò giám khảo…
“Thậm chí có GV còn chủ quan đến mức “giành” chấm thi một mình do thấy phòng thi có số lượng SV ít. Sau khi phòng chức năng vào kiểm tra và phát hiện sự việc phải bổ sung thêm giám khảo và lập biên bản ghi nhận sự việc…” - cán bộ này cho biết.
Thi, kiểm tra online còn có những tình huống dở khóc dở cười khác. Một GV cho biết, sau khi kết thúc buổi thi, GV mới phát hiện đã quên ghi lại buổi thi. Hay SV đang thi thì bị cúp điện/ rớt mạng. Với những trường hợp này, SV cần liên hệ với GV để báo cáo tình hình và được GV linh động sắp xếp thi lại vào cuối buổi khi đã có điện trở lại hoặc mạng Internet ổn định hơn. Có trường hợp đã hết giờ thi SV vẫn chưa thể quay lại phòng thi được nên GV báo cáo tình hình cho phòng chức năng để sắp xếp SV thi vào buổi thi khác do mình phụ trách.
Kiểm tra online sao cho hiệu quả?
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh - Phụ trách Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), quá trình triển khai thi học kỳ online của trường thuận lợi, một phần nhờ sớm chuyển sang hình thức học, ôn tập, hướng dẫn đáp án, khóa luận tốt nghiệp bằng hình thức trực tuyến…
Tuy nhiên, quá trình thi cuối học kỳ trong đợt dịch này với hình thức đánh giá online lần đầu tiên trường tổ chức. Vì thế các giảng viên và sinh viên trong trường cũng lo lắng vì sợ chất lượng không đảm bảo, cơ sở hạ tầng không đáp ứng được… Biết được điều này, nhà trường đã triển khai buổi tư vấn và hướng dẫn giảng viên, sinh viên các vấn đề kỹ thuật, tâm lý để sẵn sàng cho kỳ thi.
Cụ thể, từ tháng 5, nhà trường cho sinh viên học tập các môn lý thuyết online, còn các môn thí nghiệm thực hành vẫn học trực tiếp. Tuy nhiên sau đó, tình hình dịch ngày một phức tạp, nhà trường đã họp và đề nghị các khoa giao quyền chủ động về chuyên môn cho các bộ môn, dựa vào chuẩn đầu ra của học phần để đưa ra phương thức thi từ xa cho phù hợp với tình hình dịch bệnh.
“Đến nay có khá nhiều các môn học triển khai thi online. Nhà trường vẫn theo sát quá trình kiểm tra và đánh giá này và nhận thấy có một số tiêu chuẩn dễ dàng đánh giá hơn, đặc biệt những kiến thức mở rộng, kỹ năng mềm thì sinh viên đáp ứng khá tốt”, PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh chia sẻ.
Trong khi đó, PGS.TS Hoàng Thị Hồng Hà thông tin: Các hình thức thi khác gồm bài tiểu luận và báo cáo cuối kỳ được thực hiện qua hệ thống LMS của nhà trường. Hình thức thi bằng Đồ án vẫn nộp sản phẩm như bình thường, dù thời gian và điều kiện thực hiện sản phẩm có khó khăn hơn, nhưng sinh viên vẫn xác định phải cố gắng.
“Để kỳ thi diễn ra thuận lợi, nhà trường sắp xếp một buổi riêng để sinh viên và giảng viên “luyện tập” trước. Buổi hướng dẫn này được thực hiện trong 2 tuần trước kỳ thi. Trong suốt thời gian đó, giảng viên giữ kết nối thường xuyên với sinh viên để trả lời các câu hỏi”, PGS.TS Hoàng Thị Hồng Hà chia sẻ.
Liên quan việc kiểm soát chất lượng thi kiểm tra theo hình thức online, PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh cho hay: Việc chủ động trong học thuật, nhà trường đã giao cho các bộ môn thông qua khoa kiểm soát chất lượng. Các bộ môn dựa trên chuẩn đầu ra của từng môn học mà xác định hình thức thi và nội dung thi đáp ứng yêu cầu đặt ra.
“Dịch bệnh là điều không ai muốn, tuy nhiên, nhà trường cũng phải đặt ra các phương án, đặc biệt là học và thi trực tuyến. Trường có may mắn đã chuẩn bị từ nhiều năm trước với hệ thống dạy học số và UTEx, trung tâm dữ liệu… Chúng tôi tự tin hệ thống giảng dạy online của mình sẽ hoạt động có hiệu quả, mang lại kết quả tốt nhất cho người học”. - PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh